2. CHƯƠNG TRÌNH HÌNH THÀNH 10 THÓI QUEN TỐT

2. CHƯƠNG TRÌNH HÌNH THÀNH 10 THÓI QUEN TỐT

Ngày đăng: 26/02/2021

Giáo dục nhân cách cho học sinh từ những năm đầu đời là mục tiêu hàng đầu mà nhà trường hướng tới. Giai đoạn mầm non chính là khoảng thời gian “vàng” để nuôi dưỡng và phát triển những giá trị và tính cách tốt đẹp – điều này sẽ trở thành nếp sống theo trẻ trong suốt cả cuộc đời sau này.


Thông qua các chương trình học, hoạt động hằng ngày, những chuyến dã ngoại- sự kiện, cùng sự phối hợp chặt chẽ giữa Nhà trường và gia đình, học sinh mầm non tại Sakura được dạy dỗ, nuôi dưỡng và rèn luyện thường xuyên những thói quen tốt, từ khi ở nhà tới khi tới trường:

- Lễ phép, chào hỏi: Trẻ biết cách chào hỏi lịch sự lễ phép với người trên, chào hỏi thân thiện vui vẻ với bạn bè và các em nhỏ: chào hỏi trước khi đi học, khi tạm biệt bố mẹ, khi bước vào cổng trường, tới cửa lớp, trong các giờ học, giờ ra về, khi về tới nhà…

- Sạch sẽ: Trẻ biết giữ gìn vệ sinh cá nhân, thân thể sạch sẽ như rửa tay, đánh răng, rửa mặt, đi vệ sinh đúng khu vực quy định dành cho bạn trai và bạn gái… Trẻ biết giữ gìn cho môi trường xung quanh sạch đẹp, gọn gàng, ngăn nắp thông qua các hoạt động nhặt rác, vệ sinh lớp học, sắp xếp đồ dùng, đồ chơi gọn gàng, ngăn nắp.

- Tự vệ: Trẻ học được cách bảo vệ bản thân trước người lạ, giáo dục tính, quy tắc 5 ngón tay, hướng dẫn nhận biết nơi an toàn và không an toàn, giáo dục trẻ ghi nhớ số điện thoại, địa chỉ gia đình cũng như các số điện thoại khẩn cấp trong trường hợp cần thiết. Cần trang bị cho trẻ những kỹ năng tự vệ cơ bản với các môn học tự vệ như học bơi và nhiều môn thể dục thể thao khác phù hợp với độ tuổi, như vậy sẽ giúp trẻ nâng cao thể lực, sức khỏe và khi gặp nguy hiểm sẽ nhanh trí, linh hoạt để xử lý tình huống, không bị thụ động.

- Tự lập: Ở lứa tuổi mầm non, trẻ tự lập trong các công việc tự phục vụ bản thân như tự xúc ăn và ăn đa dạng thức ăn, tự cất đồ chơi sau khi chơi xong, tự bê giường và lấy gối mền đi ngủ, xếp gối mền gọn gàng và đưa về vị trí cũ sau khi ngủ dây, tự thay quần áo và xếp gọn gàng bỏ vào cặp, chuẩn bị đầy đủ đồ dùng cá nhân trước khi đi học: quần áo, bàn chải đánh răng, bình nước, …

- Yêu thương: Trẻ được giáo dục để xây dựng tình yêu thương thông qua các hoạt động như làm thiệp/quà handmade tặng bố mẹ, thầy cô giáo, gieo hạt nảy mầm, chăm sóc một số loài động vật nuôi xung quanh... Những hoạt động kỹ năng sống, thực hành về thói quen thể hiện sự yêu thương qua những trò chơi cùng nhau, những cái ôm, những cái nắm tay. Yêu thương, chia sẻ với bạn bè qua các hoạt động học và chơi. Thông qua các hoạt động giao lưu giữa các độ tuổi, sinh hoạt chung toàn trường, trẻ có cơ hội được thể hiện tình yêu thương, sự kính trọng với anh chị hay sự nhường nhịn với các em nhỏ …

- Giúp đỡ: Trẻ luôn sẵn sàng giúp đỡ mọi người xung quanh từ những công việc nhỏ nhất: giúp giáo viên lấy đồ dùng, các hoạt động trực nhật lớp, giúp bạn bê thức ăn, giúp đỡ khi người khác gặp vấn đề, giúp đỡ trong việc quyên góp các đồ dùng cá nhân cho trẻ em khó khăn…

- Biết ơn: Thông qua hoạt động một ngày, trẻ có cơ hội được thể hiện sự biết ơn: biết ơn ba mẹ mỗi ngày đưa mình đến trường, biết ơn các cô chú đầu bếp đã nấu những bữa ăn ngon, biết ơn thầy cô giáo đã chăm sóc dạy dỗ mình, biết ơn bạn bè khi gặp khó khăn và được giúp đỡ…

- Trung thực: Trẻ trung thực với bản thân và người khác, không nói dối, biết nói xin lỗi và nhận lỗi của bản thân khi làm sai.

- Hợp tác: Ngay từ khi còn nhỏ, trẻ cần biết chia sẻ, nhường nhịn và cộng tác với người khác trong các hoạt động học tập, vui chơi hằng ngày. Với những mối quan hệ xung quanh, trẻ biết hợp tác với người khác trong các hoạt động và nhiệm vụ, học cách chia sẻ và chờ đến lượt khi tham gia các trò chơi thi đua đội nhóm, biết đóng góp ý tưởng và nỗ lực cho các công việc chung, biết cổ vũ và vui mừng cho thành công của người khác…

- Trách nhiệm: Trẻ có trách nhiệm tự dọn dẹp những đồ dùng, đồ chơi của mình sau khi chơi xong, trẻ biết nói lời xin lỗi khi lỡ làm sai và chịu trách nhiệm sửa chữa nó, không nóng vội khi cùng bạn bè thực hiện những công việc chung …

Sakura-Olympia đã xác lập bảng mục tiêu thói quen tốt đạt được ở từng học kỳ phù hợp cho mỗi lứa tuổi cụ thể như sau:

- Đối với lứa tuổi Ume: Trẻ hình thành được 5 thói quen tốt ở trường và 6 thói quen tốt ở nhà.

- Đối với lứa tuổi Kiku: Cùng với việc củng cố các thói quen đã đạt được, ở lứa tuổi này, trẻ hình thành thêm 5 thói quen tốt ở trường và 6 thói quen tốt ở nhà.

- Đối với lứa tuổi Fuji: trẻ sẽ tiếp tục hình thành thêm 11 thói quen ở trường và 9 thói quen ở nhà.

- Đối với lứa tuổi Yuri: Cùng với việc rèn luyện các thói quen đã có ở những năm học trước, số thói quen tốt thực hiện thêm ở lứa tuổi này cũng tăng dần lên và độ khó cũng nâng cao hơn. số thói quen trẻ được hình thành ở trường là 15 thói quen, số thói quen ở nhà là 11 thói quen.
- Đối với lứa tuổi Himawari: Đây là độ tuổi cuối cấp của bậc học Mầm non, song song với việc thực hiện các thói quen tốt ở các năm học trước, các con sẽ thực hiện thêm một số thói quen tốt với mức độ khó phù hợp với lứa tuổi. Trẻ hình thành được 15 thói quen ở trường và 15 thói quen ở nhà.

Kết thúc mỗi kỳ học, giáo viên cùng gia đình sẽ đánh giá hiệu quả việc các con hình thành được các thói quen tốt và đưa ra phương hướng phối hợp tiếp theo trong học kỳ sau.

Yếu tố quan trọng nhất giúp trẻ có được những thói quen tốt đó là giáo dục. Trẻ cần được giáo dục từ cả gia đình, nhà trường và xã hội. Thói quen tốt dù là nhỏ nhất cũng đều gắn liền với việc hình thành nhân cách tốt của một con người, bởi vậy, đó là cả quá trình rèn luyện lâu dài và bền bỉ. Để nuôi dưỡng cho trẻ những thói quen tốt, điều quan trọng nhất chính là cha mẹ và thầy cô phải là tấm gương cho những điều mà chúng ta mong đợi ở trẻ. Việc tạo dựng môi trường gia đình, thúc đẩy và khuyến khích những thói quen trên ở trẻ cũng là điều không thể thiếu trong nuôi dưỡng những hành vi và tính cách tốt đẹp cho học sinh. Nhà trường rất mong muốn sẽ tiếp tục nhận được sự đồng hành từ phía gia đình trong việc tạo dựng môi trường sống tích cực và tốt đẹp, nuôi dưỡng, thúc đẩy, ghi nhận sự tiến bộ của trẻ qua từng phần, từng giai đoạn để khuyến khích trẻ, cho trẻ thấy được những giá trị lớn, những giá trị đáng trân trọng từ những thói quen tốt, để trẻ có thể noi gương và làm theo.

Các bài viết liên quan:

CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC MẦM NON Khác

TỔNG QUAN VỀ CHƯƠNG TRÌNH MẦM NON

Áp dụng mô hình của Nhật Bản vào chương trình giáo dục dành cho bậc mầm non ngay…
Xem thêm

1. CHƯƠNG TRÌNH ĐỌC SÁCH ĐỐI VỚI BẬC MẦM NON

Xây dựng niềm yêu thích, thói quen và phát triển kỹ năng đọc sách là một trong n…
Xem thêm

3. CHƯƠNG TRÌNH TIẾNG ANH MẦM NON

Tiếng Anh được xem như là ngôn ngữ thứ 2 chứ không chỉ là ngoại ngữ nên HS được…
Xem thêm