4. CHƯƠNG TRÌNH ĐỌC SÁCH

4. CHƯƠNG TRÌNH ĐỌC SÁCH

Ngày đăng: 14/10/2021

"Đọc một cuốn sách, đi muôn dặm đường"

Sách mở ra chân trời trí thức, sách cũng là một người bạn tốt thân thiết và thấu hiểu, sách là tri thức, là tương lai, là hạnh phúc.

Hãy cùng Sakura - Olympia nuôi dưỡng tình yêu của bé với những cuốn sách, để sách mãi trở thành một người bạn đồng hành cùng theo chân bé suốt mọi hành trang.

4.1 Tổng quan về chương trình

Chương trình Đọc sách là một trong chuỗi những chương trình trọng điểm được đầu tư xây dựng và thực hiện hướng đến việc hình thành, phát triển Văn hoá đọc sách cho học sinh tại Sakura-Olympia. Nối tiếp từ Mầm Non đến Tiểu học, các hoạt động đọc sách được duy trì và mở rộng theo từng cấp độ đọc, chủ đề đọc phù hợp với mức độ nhận thức và tâm lý lứa tuổi của học sinh. Thông qua việc nuôi dưỡng niềm yêu thích và thói quen đọc sách để mở ra "chiếc chìa khóa" giúp học sinh rèn luyện tinh thần tự lập, tự khám phá tri thức của thế giới bên ngoài, làm bệ phóng để khai phá tiềm năng và giá trị bên trong của bản thân. Giáo dục trẻ qua việc đọc là một quá trình lâu dài và bền bỉ với mong muốn mỗi thế hệ học sinh tại Sakura-Olympia được phát triển một cách toàn diện về nhận thức và những phẩm chất đáng quý của mình.

4.2 Hoạt động trong chương trình

Để hình thành thói quen đọc ở học sinh Tiểu học, việc Đọc sách được duy trì thực hiện thường xuyên trong mỗi lớp học với các hoạt động chính như: Đọc sách 15 phút đầu giờ, đọc sách ở thư viện cùng với tiết Đọc sách hàng tuần. Mỗi tuần, học sinh sẽ được tìm hiểu một chủ đề đọc khác nhau với những đầu sách gợi ý được lựa chọn kỹ lưỡng từ giáo viên. Tùy vào nhu cầu và sở thích đọc, học sinh có thể tự do tìm tòi thêm những đầu sách phù hợp để đọc và trao đổi với bạn bè.

Đọc sách không đơn giản là khám phá con chữ, các hoạt động đọc sách thú vị luôn được lồng ghép vào từng tiết học để giúp học sinh tìm hiểu sâu hơn về những giá trị bài học sau mỗi cuốn sách đọc được. Tại Sakura-Olympia, học sinh luôn được khuyến khích thể hiện năng lực đọc sách của mình ở bất cứ đâu, bất cứ khi nào có thể. Học sinh được phát triển khả năng ngôn ngữ và tư duy logic qua các hoạt động kể chuyện, giới thiệu sách. Các hoạt động vẽ nhân vật, bìa sách góp phần nuôi dưỡng năng lực tưởng tượng và thẩm mỹ ở các bạn nhỏ. Ngoài ra, kỹ năng viết - viết văn của các con cũng được chú trọng rèn luyện qua hoạt động viết nhật ký đọc sách hằng tuần, giúp trẻ chia sẻ được nhiều hơn những góc nhìn của bản thân về sách.

4.3 Triển khai chương trình

Qua quá trình đọc lâu dài, khi các con sẽ tích lũy được cho bản thân những vốn kiến thức mới là hành trang cho chặng đường học tập cũng như các hoạt động trong đời sống hằng ngày. Để tạo cơ hội cho học sinh thể hiện năng lực, hàng năm Nhà trường tổ chức các tuần lễ đọc sách và chương trình review sách "Super Reader" là sân chơi bổ ích dành cho những bạn nhỏ yêu thích đọc sách. Đó cũng là cầu nối để lan tỏa tình yêu đọc và văn hoá đọc đến cho tất cả mọi người.

Các nội dung liên quan đến chương trình đọc sách được phổ biến và thông tin đến giáo viên, học sinh và phụ huynh ngay từ đầu năm. Giáo viên là người trực tiếp tham gia vào công tác xây dựng chương trình và lựa chọn những cuốn sách hay phù hợp với năng lực của học sinh song song với các hoạt động dạy học sáng tạo phù hợp trong mỗi tiết học. Các hoạt động đọc sách thường xuyên được giáo viên đốc thúc, theo dõi, quan sát và đánh giá hàng tuần, hàng tháng... để thấy được sự tiến bộ của học sinh trong việc đọc.

Học sinh là chủ thể chính trong quá trình đọc sách, việc hiểu về chương trình đọc sách và những định hướng về giá trị của sách giúp các con tạo cho mình một tâm thế vững vàng và có ý thức hơn đối với việc đọc để nuôi dưỡng và phát triển bản thân của mình.

Trong quá trình đó, phụ huynh đóng vai trò rất quan trọng trong việc hình thành thói quen cho học sinh ở nhà. Phụ huynh là người đồng hành cùng con đọc sách, kể chuyện hoặc lựa chọn mua những đầu sách mới theo các chủ đề được xây dựng trong chương trình đọc để tạo điều kiện cho các con được khám phá nhiều hơn những cuốn sách và kiến thức hay.

Chính vì thế, việc xây dựng cầu nối giữa Nhà trường và phụ huynh là công tác cần thiết để đảm bảo cho chương trình Đọc sách được thực hiện một cách xuyên suốt và hiệu quả.

4.4 Phác hoạ Năng lực đầu ra của học sinh theo lớp/ bậc học

Năng lực đầu ra của học sinh được thể hiện qua số lượng sách học sinh đọc được và các sản phẩm đọc sách do chính tay học sinh thực hiện.

Đối với học sinh lớp 1: Học sinh đọc được khoảng 32 cuốn sách trong một năm với các chủ đề đơn giản xoay quanh cuộc sống của các em để nâng cao khả năng nhận biết và phát triển những kỹ năng sống cần thiết. Học sinh sẽ đọc những cuốn sách có hình và chữ (với độ dài chữ mỗi trang không quá 20 chữ). Sau khi đọc sách, học sinh có thể làm bookmark, vẽ bìa sách hoặc kể lại câu chuyện đơn giản theo ý tưởng và cách hiểu của bản thân.

Đối với học sinh lớp 2: Học sinh sẽ đọc khoảng 35 cuốn sách trong một năm. Các em sẽ thử thách với những cuốn sách có độ dài khoảng 30 - 50 trang để phát triển kỹ năng đọc, đọc hiểu của bản thân. Học sinh có thể viết được những dòng nhật ký đơn giản về tên cuốn sách, tên tác giả, nhân vật... trong cuốn sách.

Đối với học sinh lớp 3: Học sinh đọc được khoảng 35 cuốn sách trong một năm với những cuốn sách có độ dài từ 50 - 70 trang. Không dừng lại ở việc đọc, học sinh tập kỹ năng ghi chép nhanh những chi tiết trong cuốn sách và rút ra được những chi tiết hay, câu nói ấn tượng về những vấn đề được nhắc đến trong cuốn sách.

Đối với học sinh lớp 4: Học sinh đọc được khoảng 30 cuốn sách trong năm, chủ yếu là sách chữ với độ dài từ 70 - 100 trang. Việc khám phá con chữ giúp học sinh tăng vốn từ ngữ và thể hiện năng lực đọc hiểu, viết - viết văn của bản thân qua các bài giới thiệu sách chi tiết hơn và các buổi kể chuyện, chia sẻ về sách. Với mỗi chi tiết xuất hiện trong cuốn sách, học sinh sẽ có ý thức trong việc đưa ra những ý kiến, đánh giá của bản thân để nhìn nhận vấn đề một cách đa chiều hơn. Các sản phẩm học tập đối với học sinh lớp 4 cũng đa dạng và yêu cầu cao hơn để nâng cao kỹ năng đọc của học sinh.

Đối với học sinh lớp 5: Học sinh đọc hoàn toàn là sách chữ với số lượng khoảng 30 cuốn sách trong năm với độ dài sách dưới 120 trang. Ngoài các đầu sách được giới thiệu trong nhà trường, học sinh có kỹ năng lựa chọn những đầu sách phù hợp cho bản thân để đọc và nâng cao kiến thức của mình. Học sinh có thể viết các bài giới thiệu chi tiết, bàn về nhân vật và bài học trong câu chuyện cũng như sáng tạo một số chi tiết hoặc kết thúc mở phù hợp với những câu chuyện khác nhau. Ở độ tuổi này, học sinh được tập trung nâng cao kỹ năng viết - viết song song với quá trình đọc của học sinh.

4.5 Phác hoạ kết quả đã đạt được trong thời gian qua

Đa số học sinh ở các khối lớp đều hiểu được giá trị của việc đọc sách và ý nghĩa của việc xây dựng văn hoá đọc tại SO. Mỗi học sinh luôn đến thư viện, trao đổi sách hoặc mang theo những cuốn sách hay để đọc khi có thể.

Hằng tuần, học sinh đều viết nhật ký đọc sách. Sản phẩm đọc sách khá đa dạng và được lựa chọn phù hợp với mỗi chủ đề sách cũng như độ tuổi đọc của học sinh. Trong học kỳ I, mỗi học sinh sẽ có một cuốn sổ nhật ký với những sản phẩm mình tự tay thực hiện bao gồm các bài viết giới thiệu, chia sẻ về cuốn sách và những bức tranh về những cuốn sách yêu thích mà học sinh đã đọc xong. Ngoài ra, học sinh ở các lớp từ lớp 3 - 5 có thể tự tin chia sẻ được cuốn sách mình yêu thích bằng việc quay video kể chuyện về sách.

Song song với các hoạt động ở lớp, học sinh nhiệt tình trong việc quay video tham gia chương trình Super Reader 2023 để giới thiệu những cuốn sách hay cùng lan toả tình yêu đọc sách đến mọi người.

Các bài viết liên quan:

Các video liên quan:

CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC TIỂU HỌC Khác

5. CHƯƠNG TRÌNH RÈN LUYỆN THÓI QUEN TỐT

Chúng tôi tin rằng “gieo tính cách, gặt số phận”, và giai đoạn mầm non và tiểu h…
Xem thêm

TỔNG QUAN VỀ CHƯƠNG TRÌNH TIỂU HỌC

Khác hoàn toàn với mô hình giáo dục truyền thống truyền đạt kiến thức một cách t…
Xem thêm

1. CHƯƠNG TRÌNH TIẾNG ANH

Tại Sakura - Olympia, Tiếng Anh được xem như là ngôn ngữ thứ 2 chứ không chỉ là…
Xem thêm