Field Trip tháng 11: XEM TUỒNG

Field Trip tháng 11: XEM TUỒNG

Ngày đăng: 11/03/2021

Giáo dục truyền thống văn hoá, lịch sử, nâng cao thái độ trân trọng di sản văn hoá dân tộc và trách nhiệm đối với sự phát triển của cộng đồng và quê hương, sẽ hình thành cho học sinh những tình cảm trong sáng, cao đẹp, yêu thương, gắn bó với cộng đồng.Đó chính là mục đích của chuyển đi Field trip tháng 11 dành cho khối Tiểu học của Sakura - Olympia tới Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh.
Trước chuyến đi, các em được giới thiệu về Nghệ thuật Tuồng và những ý nghĩa của việc tìm hiểu, học tập về văn hoá nghệ thuật dân gian. Đến nơi, các em rất vinh dự vì được giao lưu trực tiếp với các cô bác Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú của Nhà hát.
(NSƯT Trần Ngọc Tuấn - Giám đốc Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh)
Xin được chia sẻ về Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh và cảm xúc của các Nghệ sĩ khi đoàn học sinh Sakura - Olympia tới tham quan qua lời của NSƯT Trần Ngọc Tuấn - Giám đốc Nhà hát:
"Với sự phát triển của Xã hội hiện nay, văn hoá dân gian đang dần bị mai một, nghệ thuật Tuồng không còn được phổ biến và dễ dàng đón nhận. Việt Nam hiện chỉ còn giữ được 7 Nhà hát có Nghệ thuật Tuồng và duy nhất 2 Nhà hát Tuồng độc lập, 1 là Nhà hát Tuồng Trung Ương ở Hà Nội, và 1 chính là Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh. Năm 2020 này, lại thêm sự ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, khách đến xem biểu diễn rất hiếm hoi, nhưng các Nghệ sĩ Tuồng không vì thế mà dập tắt lửa đam mê và những nỗi lòng đau đáu truyền lại di sản văn hoá dân tộc này cho thế hệ sau. Hôm nay các Nghệ sĩ chia sẻ rằng họ vô cùng xúc động vì được các em học sinh Sakura - Olympia đón xem, học hỏi trong một tâm thế nghiêm túc và trân trọng"
Nghệ thuật Tuồng chứa đựng toàn bộ thế giới tinh thần của người Việt Nam xưa. Sân khấu Tuồng là nơi có ca, múa, nhạc, họa; có thơ, văn, kịch, có triết học, mỹ học, tâm lý học, xã hội học, đạo đức, tôn giáo, lịch sử, dân tộc; có niềm vui, nổi buồn, có cảm xúc, hy vọng… Những nhân vật trong các màn Tuồng có những đặc điểm gì, họ đại diện cho những ai, tại sao họ lại hoá trang vẽ mặt với những màu sắc lạ thế kia? Các em học sinh của Sakura - Olympia đã bị lôi cuốn bởi những gì NSƯT Trần Ngọc Tuấn chia sẻ, và các em đã biết những nhân vật đào, kép, quan, nịnh, lão,… với những phản chiếu trong tính cách và khuôn mặt.
(Các nghệ sĩ đang diễn trích đoạn về Trần Quốc Toản)
Cuối cùng, NSƯT Trần Ngọc Tuấn đã cho các em biết Nghệ thuật Tuồng truyền tải những thông điệp nhân văn về nhân quả, thiện ác và khuyên con người sống trên đời phải hướng đến Chân – Thiện – Mỹ thì sẽ nhận được những điều tốt đẹp.
Chương trình chính các em được xem các nghệ sĩ của Nhà hát biểu diễn vở kịch Trần Quốc Toản và lá cờ 6 chữ vàng. Vở kịch làm các em say sưa hứng thú vô cùng!
Các em ngồi lắng nghe chăm chú và không quên mang bút vở ra ghi chép những gì mình có thể lĩnh hội và được trải nghiệm. Các thầy cô thật sự vui mừng vì sau khi kết thúc buổi các em đã có một phần kiến thức và cái nhìn gần gũi hơn về Nghệ thuật Tuồng nói riêng, về văn hoá dân gian nói chung.
Trước khi ra về, các em không quên khoanh tay cúi đầu cảm ơn các cô bác Nghệ sĩ đã cho các em một chuyến field trip đầy ý nghĩa và không kém phần hấp dẫn.